Giải trí‎ > ‎Ẩm thực‎ > ‎Rượu‎ > ‎

Tiên tửu San Lùng

http://tuyluy.com
Tiên tửu San Lùng


Có người bảo lời tán dương nào dành cho rượu cũng là dại dột, bởi cái thứ nước tinh tuý của trời đất ấy có “con sâu”, “con ma” làm lụi bại bao người, tan nát bao nhà. Nhưng vô tình, giữa hương xuân ngây ngất, lạc vào chốn tiên giới bồng lai, bản San Lùng (xã Bản Xỡ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), xứ sở của một loại mĩ tửu đã nức tiếng gần xa mà bất cứ kẻ sành cái ngon, cái đẹp nào ở đời cũng đã hơn một lần thưởng thức, tôi chẳng thể vô tình để không nói một lời gì về rượu.

Thêm nữa, một đêm sống cùng những người Dao đỏ, tác giả của thứ nước tiên, nước thánh uống nồng nàn ấy, tôi đã thấu nỗi oan khiên mà mấy chục năm nay rượu và dân bản San Lùng phải gánh chịu. Thôi thì trước nàng xuân mơn mởn, mượn rượu tôi đành giãi bày.

Truyền thuyết về rượu của trời

Dân ở cái bản cao ngất trời bốn bề mây phủ ấy vẫn tự hào gọi đặc sản quê mình là rượu tiên.

Chẳng biết cái tên này ra đời là do hương vị rượu thơm ngào ngạt “một người uống bốn người say”, người phàm trần uống một ngụm bỗng thấy mình như tiên khách hay tại những truyền thuyết mà bất cứ ai ở đất này đều biết, đều thuộc làu làu.

Truyền thuyết thứ nhất kể rằng, ngày xửa ngày xưa, mặt đất còn nghèo, người trần còn đói. Giàng ở thiên đàng, nhưng thương người trần lắm, Giàng hay hạ thế ngao du khắp bốn phương để ban phát cho trần thế những điều tốt lành.

Đến đất ấy, thấy địa thế đẹp Giàng dừng lại để nghỉ chân. Trưa nắng, khát nước, Giàng đã hoá phép để con suối nhỏ chạy vòng vèo qua bản nước vốn đục ngầu thành suối tiên, nước trong leo lẻo.

Nhấp một ngụm nước suối ấy, cơn khát đang thiêu cháy cổ của Giàng tan biến, người phấn chấn lạ thường.

Về trời đã được mấy mùa mận nở trắng rừng, nhưng chẳng hiểu thế nào, đất ấy người ấy đã làm trái tim Giàng thổn thức.

Làm vua cai quản cõi trời, luật tiên giới khiến Giàng không thể xuống đất đó thăm lại thần dân nơi đó thêm một lần nữa(?)

Để nguôi ngoai những nỗi nhớ mong, hàng ngày Giàng vẫn sai các tiên nữ xuống đất đó để múc nước mang về thiên đình.

Nước ấy Giàng uống hàng ngày và càng uống thì khối tình, khối nghĩa của Giàng với bản làng nằm chót vót trên núi thẳm ấy càng sâu nặng. Và rồi, một hôm tù trường ngôi bản ấy giữa trưa nắng nghỉ lưng trên rẫy, nằm chiêm bao thấy ông lão râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào mách cho cách chiết xuất một thứ nước vừa có tác dụng giải khát vừa làm tăng thêm sức lực của con người.

Khi choàng tỉnh, tù trưởng thấy ngay chỗ mình nằm có mảnh giấy ghi cách thức để tạo ra thứ nước tiên, nước thánh diệu kỳ ấy và ông biết người vừa báo mộng cho ông là Giàng đáng kính.

Nước tiên ấy là tinh tuý của giời và đất, là những hạt thóc do bàn tay một nắng hai sương của dân bản ông tạo ra, và nước để đồ thóc chín được lấy từ dòng suối tiên mà ngày nào Giàng đã phù phép.

Truyền truyết thứ hai kể rằng, khi trời đất mới hết cảnh hỗn mang, bản San Lùng thủa ấy chưa có tên như bây giờ.

Những người Dao đỏ định cư ở đất này vì thấy nơi đây sơn thuỷ hữu tình, có non có suối.

Một lý do nữa khiến những người Dao đỏ vốn thích cuộc sống nay đây mai đó gắn bó với đất này là khi đến đây, những người đầu tiên đi mở đất ấy luôn thấy một chiếc cầu vồng xuất hiện trên đỉnh những quả núi cao chót vót.

Cầu vòng thì luôn có bảy sắc, nhưng cầu vồng ở đây thì chỉ có ba. Đoán là điềm lành, là nơi đất thiêng nên họ đã quyết định ở lại phá đất, lập làng.

Khi đất hoang đã thành làng, thành bản thì cầu vồng ba sắc vẫn luôn xuất hiện, và sau cũng một tù trưởng nằm chiêm bao thấy thần linh báo mộng rằng, dân bản ông đang sống là bình rượu tiên của thiên đàng, cầu vồng ba sắc chính là ba con rồng do trời sai xuống để lấy rượu cho tiên giới.

Giấc mơ tiên vừa dứt, vị tù trưởng ấy quyết định đặt tên cho bản mình theo tiếng người Dao là San Lùng (San Lùng nghĩa là tam long, tức ba con rồng). Dân bản San Lùng trồng cây lúa nương trên đỉnh núi ấy, cây lúa luôn trĩu hạt, gạo thì thơm phưng phức.

Uống nước chảy ra từ khe núi ấy thấy ngọt và thơm mát kỳ lạ. Khi những hạt thóc ấy được đem ra nấu rượu theo cách thức của người Dao đỏ thì rượu có hương vị thơm nồng đặc biệt mà không thứ rượu của vùng nào sánh đựơc.

Không say không về

Trước khi lên với bản, chủ tịch xã Bản Xèo, Lý Díu Thiền, cũng là một người Dao đỏ cảnh báo: “Muốn biết con gì lên núi bằng 2 chân, xuống núi bằng 4 chân thì lên San Lùng. Người Dao đỏ mến khách lắm đó, không say, không đi bằng 4 chân thì đừng nói chuyện về”.

Quả đúng như lời chủ tịch Thiền, người Dao đỏ ở đây quả thật vô cùng mến khách.

Đến nhà nào sự ưu ái cũng được thể hiện bằng những chén rượu thơm nồng.

Dạo bản một vòng đến nhà trưởng bản Lò Láo Tả thì mặt trời cũng vừa đứng bóng. Gặp đúng bữa cơm, thế nên, theo lời trưởng bản thì: “Không uống là không thật cái bụng”, tôi lại phải khăn gói theo hầu đức thánh Lưu Linh.

Rượu từ trong can được rót ra khắp lượt. Hương rượu thơm đến độ kẻ chẳng bao giờ uống lấy một giọt cái hợp chất tê tê say say như ông bạn đồng hành của tôi cũng buồn tay muốn thử.

Trưởng bản Tả ngồi khoanh chân trên nền gạch đá hoa khề khà mời khách. Ông bảo, đến Lào Cai mà không nếm thử hương vị của rượu San Lùng thì coi như chưa đến.

Không uống thì dại và càng dại hơn khi biết rượu nhà trưởng ban Lò Láo Tả ngon nhất nhì bản, nghĩ vậy, nên anh bạn đồng hành của tôi đã quên khuấy mất tửu lượng của mình.

Bản San Lùng có 36 hộ. Nhà nào cũng có nồi nấu rượu. Trưởng bản Lò Láo Tả bảo, người Dao đỏ ở đâu cũng biết nấu rượu thóc nhưng không có rượu nơi nào bì được với rượu San Lùng.

Cách thức nấu rượu thóc cũng đơn giản lắm, thóc sẩy sàng sạch, để nguyên vỏ cho vào chõ đồ, khi nào thấy tất cả mọi hạt nở bung ra trắng xoá thì múc ra mẹt, sau 2 đêm, men ăn thóc làm cả mẹt bốc hơi ngùn ngụt thì cho vào thùng chứa ủ tiếp.

Mùa đông thì ủ từ 5-6 ngày, mùa hè chỉ ủ 4 ngày. Ủ xong, cho vào nồi nấu cách thuỷ (cả trên và dưới đều phải có nước). Khi nấu lửa phải luôn đều. Già lửa một chút, rượu khê. Thiếu lửa thì không được rượu. Thêm một điều quan trọng nữa nước ở phía trên của nồi phải luôn lạnh, nên luôn cần một người túc trực để thay.

Quy trình và kinh nghiệm nấu rượu chỉ có vậy, ai cũng biết, ấy thế mà mấy người nhà cũng người Dao đỏ ở bản Nậm Pốu, nằm ngay sát bản San Lùng đã bao đời áp dụng cái công thức ấy mà rượu của họ vẫn chẳng thể ngon, không hề có hương thơm quyến rũ như rượu San Lùng.

Khi đã ngà ngà hơi men, trưởng bản Lò Láo Tả nói thẳng: “Rượu của bản tôi hơn rượu các nơi khác là do nguồn nước và do do cách thức chế men”. Nguồn nước, tất nhiên không phải lấy từ con suối quanh năm vẫn chảy ào ào qua bản, mà theo ông Tả thì có vài mạch nước ngầm mà chỉ đàn ông, con trai có uy tín trong bản mới biết.

Men nấu rượu là men lá, được làm là gạo nếp thơm nghiền nhỏ cộng với 15 loại lá rừng. Theo ông Tả thì 15 loại lá cây ấy, tất cả đều là vị thuốc đều là vị thuốc và “kẻ ngoại đạo” thì không thể biết tên các thứ lá cây này.

Ngay cả trong 36 hộ, 201 khẩu người Dao đỏ ở bản San Lùng này thì cũng chỉ 36 ông chủ gia đình biết tên, biết mặt những thứ cây ấy.

Nếu có vinh dự được đi theo xem họ hái lá rừng cũng chẳng thể biết được bởi họ rất cảnh giác. Mỗi lần đi rừng, họ hái cả gùi, vì trong cái đống hổ lốn ấy, có cả những cây, những lá mang về chỉ để vứt đi.

Thậm chí nhiều nhà còn cảnh giác đến độ, mang lá về rồi cũng băm, cũng giã xong để đấy chẳng làm gì. Men lá họ giữ kín như bảo bối gia truyền.

Khi người chủ gia đình ấy không còn đảm đương được trọng trách của mình bí quyết chế tạo men lá được truyền cho các con trai.

Trước khi truyền nghề, các người con trai ấy phải làm lễ ăn thề với các vị thần là không được tiết lộ bí quyết ấy cho bất kỳ ai. Ai không giữ được lời thề sẽ bị Giàng trị tội. Con gái theo chồng, tất nhiên, không ai được biết.

Dân bản San Lùng giờ đã có bát ăn bát để, chứ chẳng còn thiếu ăn thiếu mặc như chục năm trước đây. Rượu San Lùng đã thành thương phẩm nên nhà ai cũng có đồng ra đồng vào.

Nhà nào cũng có tivi màu, bắt đài trung ương có rõ mồn một nhờ hệ thống chảo thu mi ni . Trưởng bản Lò Láo Tả phấn khởi khoe: “Bản tôi mỗi tần mang xuống chợ khoảng 1000 lít rượu, tính ra mỗi tuần cũng thu cả chục triệu. Mừng lắm! Vui lắm!” Nhà ông Tả mỗi ngày cho ra lò khoảng 40 lít rượu, thu 450 nghìn đồng. Trừ tiền thóc, tiền củi cũng nhẹ nhàng bỏ túi cả trăm nghìn.

Thật hiếm có nghề nào mang lại lợi nhuận cao như thế. Rượu San Lùng trứ danh, đến bản San Lùng lại được nghe những “thương hiệu” trứ danh khác. San Lùng nhà lò Kim Phù, San Lùng nhà Lò Sài Phin, San Lùng nhà Lò Cao Pà, San Lùng nhà Chảo Cùi Chìu… Đi cùng với những “thương hiệu” ấy là một cuộc sống no đủ, là phơi phới tương lai.

Chén đắng đầu xuân

Trưởng bản San Lùng Lò Táo Trả sửng sốt khi nghe tôi kể đi bất cứ nơi đâu cũng thấy người ta bán rượu San Lùng. Trong cái sửng sốt của ông già gắn cả đời mình với nỗi nấu rượu ấy, tôi chẳng tìm thấy niềm vui vì rượu bản mình nổi tiếng khắp từ bắc chí nam mà chỉ thấy nỗi buồn, nỗi xót xa tràn đầy trên khoé mắt.

Ông buồn, xót xa cũng phải, vì bản ông chỉ có 36 nóc nhà, nấu nhiều thì mỗi tuần chỉ vẹn vẹn trên dưới 1000 lít rượu. Số ấy, bán cho dân Bát Xát còn chẳng đủ, huống chi… Vậy mà nơi nào cũng thấy: “Có bán rượu San Lùng nguyên chất”, hoặc “rượu San Lùng 100%…

Đã có người cố tình gọi chệch rượu San Lùng thành rượu “Sắn Lùng” tức là rượu sắn giả San Lùng, nhưng số này xem ra cũng chẳng thấm vào đâu.

Ông Lý Văn Trình, chủ tịch Hội nông dân xã Bảo Xèo thì khẳng định có nhiều rượu San Lùng trên thị trường là do những kẻ buôn rượu lấy rượu gạo pha vào. Ông quả quyết một công thức pha rượu như sau: ở bản San Lùng thì một lít rượu là một lít rượu, nhưng xuống đến huyện, 1 lít rượu ấy đã hoá thành 10, và đến tỉnh thì 10 lít rượu ấy hoá 100 và đi các tỉnh khác thì 100 hoá 1000. Số lượng rượu San Lùng trên thị trường đã chứng minh cái công thức là hoàn toàn có cơ sở.

Thêm một chén đắng nữa, khi thị trường lên cơn sốt, theo một số tay buôn rượu San Lùng ở thị trường Bát Xát, đã có không ít những gia đình ở bản San Lùng vì lợi nhuận mà bán đi chữ tín của mình. Họ cất rượu từ nơi khác về, và người mua rượu cứ thấy họ mang rượu từ trên bản xuống là mua, không cần biết ấy là rượu gì. Cứ đo đủ độ, nếm thử thấy ngai ngái là mua.

Trước thực trạng trên, ông Lý Dịu Thiền chủ tịch xã cho biết, chính quyền xã đang cố gắng hoàn thành mọi thủ tục để đăng ký thương hiệu cho thứ đặc sản quê mình.

Có vậy, rượu San Lùng sẽ thoát khỏi tiếng nỗi oan mà lâu nay vẫn phải gánh chịu.

Xuân mới, còn gì tuyệt vời hơn khi có chai rượu San Lùng thết khách. Rượu San Lùng nặng (48-520) nhưng êm, ai quá chén, say cũng không thấy đau đầu. Xuân mới, cũng xin gửi tặng dân bản San Lùng những mong ước tốt lành, cùng với một niềm hy vọng, nay mai, rượu San Lùng sẽ đúng là rượu San Lùng như sự kết tinh mong ước của trời và đất.
Comments